Trích: http://congluan.vn/can-san-xuat-nong-nghiep-quy-mo-lon-bai-ban/
(NBCL) Nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản, ông Dương Quang Lư, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (Hakinvest) có nhiều những suy nghĩ trăn trở về tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Dưới đây là cuộc trò chuyện của PV với ông để có những nhận định chung cũng như đề xuất cách thức hiệu quả trong tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Để nông nghiệp Việt Nam phát triển, phải thay đổi từ tư duy đến hành động
+ Ông có nhiều năm gắn bó cũng như am hiểu về nông nghiệp Việt Nam. Nhận định tổng thể về nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, ông có suy nghĩ gì?
– Nói về lợi thế của nông nghiệp, trước hết phải kể đến khí hậu Việt Nam. Không nơi nào thiên nhiên ưu đãi về khí hậu như ở nước ta. Chính sự khác biệt khí hậu giữa các vùng miền nên Việt Nam có đa dạng các loại sản vật nông nghiệp (hạt tiêu, gạo, café, hạt điều, thủy sản..) và hoa quả đặc sản quê hương. Thậm chí, một số sản vật chỉ Việt Nam mới có chất lượng cao và có số lượng lớn. Ví dụ như hồ tiêu tôi đánh giá Việt Nam là số một. Có đến 10 giống hồ tiêu trồng ở nhiều nơi khác nhau như ở Gia Lai, Đắk Lăk, Quảng Trị… Tuy chất lượng mỗi nơi một khác nhưng hồ tiêu Việt Nam hơn hẳn hồ tiêu Ấn Độ hay Indonesia, vì chất lượng và mùi vị đặc trưng. Đó là những lợi thế quan trọng mà theo tôi chưa có bất cứ ngành nào sánh được.
Thứ hai là lợi thế về con người. Nền nông nghiệp Việt Nam có thành quả như ngày nay thì phải đến 90% công sức do người nông dân làm nên. Sức sáng tạo và sự năng động của người nông dân ta là vô hạn. Không những thế, họ còn sở hữu cả sự can đảm của những người dám bước những bước đi tiên phong với sự nghĩa tình, chung thủy của người làm ra hạt lúa, củ khoai… Nếu được chính quyền ủng hộ và giúp sức chắc chắn sức sáng tạo và sự năng động của nông dân còn phát triển hơn nữa. Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam hiện nay có dư địa lớn trong khi vẫn còn sơ khai, cần khai phá và đầu tư… do đó, tôi tin hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Do ảnh hưởng của nền nông nghiệp quy mô hợp tác xã từ xưa để lại, chủ yếu tự cung tự cấp nên nông nghiệp Việt Nam còn nhiều bất lợi như: Bộ máy cồng kềnh, làm ăn nhỏ lẻ, chậm thích ứng với thị trường, giá thành sản phẩm cao, dư lượng thuốc trừ sâu lớn, chưa đồng bộ để nâng cao chất lượng… Điểm hạn chế cơ bản của hợp tác xã kiểu cũ còn là sản xuất theo “phong trào”, có khi nhiều người cùng sản xuất một loại sản phẩm, do vậy thường dẫn đến việc cung vượt cầu và luôn tiềm ẩn mối lo “được mùa thì rớt giá”. Muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển, phải thay đổi từ tư duy đến hành động.
Cần giải quyết tận gốc vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm
+ Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu nông nghiệp phân tích, mổ xẻ. Là một doanh nhân hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, cọ sát thực tế rất nhiều và cũng hiểu người sản xuất đến khách hàng… ông có thể chia sẻ về giải pháp tích cực và hiệu quả đối với vấn đề này?
– Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Việc chất lượng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được nâng cao sẽ là xu hướng tất yếu và hiện nay vấn đề này đang có những chuyển biến rất mạnh do các doanh nghiệp đầu tư vào các khâu từ canh tác, nuôi trồng đến chế biến và thương mại ngày càng nhiều với quy mô lớn. Hệ thống cơ chế chính sách cũng đang ngày càng được hoàn thiện và có nhiều ưu đãi cho đầu tư vào nông nghiệp.
Như vậy, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bài bản đang là vấn đề thời sự được Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội quan tâm. Đó là xu hướng tất yếu và diện mạo nông nghiệp Việt Nam ngoài việc có thứ hạng trên thế giới về số lượng sẽ là chất lượng và hiệu quả đầu tư. Việt Nam hoàn toàn có thể học cách làm khoa học, bài bản từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, họ xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm, doanh nhân làm trọng tâm để phát triển vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Chính sự dân chủ, tự do, Hàn Quốc dám phát huy hết mọi khả năng của doanh nhân.
Các tập đoàn nổi tiếng Samsung, Huyndai… phát triển dựa vào những lợi thế từ doanh nhân, được Nhà nước hỗ trợ. Tại Mỹ, họ cũng lấy doanh nhân làm trung tâm. Doanh nghiệp đi từ thực tế tài trợ cho tài năng và sáng tạo của doanh nhân từ giáo dục, y tế đến kinh tế… Việt Nam cũng nên học cách tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, làm cầu nối giữa Nhà nước và nông dân. Tái cơ cấu không nhất thiết phải nghĩ đến việc xuất khẩu ra nước ngoài, cứ làm thật tốt ngay trong nước. Bởi vì sao? Vì hiện nay chính người Việt Nam còn chưa tin tưởng và sử dụng hàng Việt Nam thì nói gì đến việc xuất khẩu. Cần giải quyết tận gốc vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo hàng Việt Nam cho người Việt Nam mới là mấu chốt.
Hakinvest là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu tốt nhất cho khách hàng
+ Hakinvest đã có chặng đường 15 năm phát triển trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản và lương thực. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hướng đi và cách thức Hakinvest đang góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam?
– Tôi và Hakinvest đang đi trên con đường khai phá, tận dụng những lợi thế quốc gia. Hướng phát triển của Hakinvest là thuê nông dân làm việc cho doanh nghiệp ngay trên cánh đồng của họ. Việc này vừa có lợi cho cả nông dân vừa có lợi cho cả doanh nghiệp. Nông dân có ruộng, được làm việc theo công nghệ hiện đại của doanh nghiệp, theo quy mô lớn, không còn mối lo về giá thành, chất lượng và nguồn thu. Doanh nghiệp có đầu ra tốt cho sản phẩm, có kỹ thuật tiên tiến, cải tiến những bất lợi trước đây nông dân gặp phải.
Cuối cùng người tiêu dùng sẽ có được nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo và dồi dào. Chúng tôi đã đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng kho bãi. Hệ thống kho dự trữ hàng hóa, nhà máy được đầu tư hiện đại và rộng lớn tại nhiều chi nhánh như Gia Lai, Bình Định… và đặt ở những vị trí trung tâm có vùng nguyên liệu nông sản như sắn, ngô, hạt tiêu, đậu, đỗ, lúa… vô cùng dồi dào, thuận lợi cho hoạt động chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức đội ngũ thu mua của Hakinvest phủ kín khắp ở khu vực Tây Nguyên- Miền Trung- Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ở Campuchia phục vụ công tác thu mua nguyên liệu.
Như vậy chúng tôi có thể tăng cao tính chủ động trong việc điều tiết và thu mua, khắc phục các vấn đề biến động giá và tính mùa vụ. Tại các nhà máy, Hakinvest có đội ngũ kiểm định chất lượng được đào tạo, phục vụ công tác thu mua nguyên liệu cho nhà máy. Các công tác kiểm tra, kiểm định… được đầu tư bài bản và ứng dụng khoa học tiên tiến cộng với cách làm chuyên nghiệp và trách nhiệm cao, chúng tôi luôn đảm bảo tốt nhất các yêu cầu về chất lượng của khách hàng. Chính vì vậy, khách hàng của Hakinvest đều nhận thấy và đánh giá, Hakinvest là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu tốt nhất cho khách hàng.
Chí Tuyên – Linh Linh
“Hệ thống cơ chế chính sách cũng đang ngày càng được hoàn thiện và có nhiều ưu đãi cho đầu tư vào nông nghiệp. Cần sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bài bản, là xu hướng tất yếu và diện mạo nông nghiệp Việt Nam”.
Dương Quang Lư- Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (Hakinvest)
Tin tức khác
CÔNG TY CỔ PHẦN NÔNG NGHIỆP VÀ THỰC PHẨM HÀ NỘI - KINH BẮC
Add: Số 08 Lô TT03, Khu đô thị Hải Đăng City, Ngõ 2 Phố Hàm Nghi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Tel: +84-2437877290 - Fax: +84-2437877291
Email: admin@hkb.com.vn - Website: www.hkb.com.vn www.hakinvest.com.vn