Trích: http://congluan.vn/tim-ra-loi-the-quoc-gia-de-hoach-dinh-chien-luoc-phat-trien/
(NB&CL) “Một nền kinh tế nhỏ bé như Việt Nam, chúng ta không thể cái gì cũng muốn làm, ngành nào cũng muốn phát triển, nghề nào cũng muốn tham gia. Các cụ đã có câu “một nghề thì sống, đống nghề thì khó”. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ trên thế giới nếu tìm ra được lợi thế của mình rồi có một chiến lược phát triển rõ ràng thì đều có thể thiết kế cho mình một sân chơi hay có một vai chơi trong game lớn của đấu trường kinh tế quốc tế…” – Bắt đầu chia sẻ xung quanh vấn đề “hoạch định chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia”, ông Dương Quang Lư- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc đã nhấn mạnh như vậy.
Cần chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, mang bản sắc
Ông Dương Quang Lư cũng nói thêm: Trước khi nói đến ngành nông nghiệp, chúng ta cần xem xét lại chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia mình. Theo quan sát của tôi thì kể từ khi đất nước đổi mới, mở cửa thị trường, chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường cho tới nay nước ta vẫn chưa có được một chiến lược mạch lạc cho phát triển kinh tế Quốc gia. Điều này cũng dễ hiểu vì sau khi mở cửa thị trường chúng ta đương nhiên có những lúng túng, chưa có một con đường khuôn mẫu cho phát triển nên tư duy của chúng ta cho đến nay có thể vẫn là vừa mở cửa, vừa tìm tòi và học hỏi để từ đó rút kinh nghiệm, rồi từ đó tìm ra cho mình một định hướng phát triển kinh tế phù hợp. Tôi cho rằng tư duy này cần phải thay đổi, chúng ta phải hoạch định cho mình một chiến lược phát triển kinh tế căn cơ, lâu dài, mang bản sắc riêng. Vì thế giới ngày nay luôn vận động và phát triển, sự hội nhập ngày càng nhanh chóng nên nếu chúng ta cứ vừa học, vừa làm, vừa hoạch định thì chỉ có thể chạy theo sau và học cách thích ứng mà thôi, chứ không thể tận dụng được lợi thế của quốc gia và đón đầu được cơ hội phát triển cho Quốc gia.
Để hoạch định một chiến lược phát triển kinh tế của một Quốc gia, chúng ta có thể phải quay lại từ những điều cơ bản, gốc gác và giản dị nhất. Trước hết đó là cần định dạng xem đâu là các điểm thuộc lợi thế Quốc gia của Việt Nam; định vị các lợi thế đó trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu; Xác định các ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển trước; Ưu tiên nguồn lực cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn đó; Sau khi các ngành mũi nhọn kinh tế đã phát triển sẽ tạo nên các nền tảng lan tỏa cho phát triển các ngành khác.
Đặc biệt ông Dương Quang Lư cũng nhấn mạnh rằng: Bản chất là phải hiểu chính mình đã, để tìm ra được thách thức và cơ hội. Khi đã hiểu được lợi thế của mình thì sẽ tập trung ưu tiên các nguồn lực cho việc phát triển các điểm mà mình có lợi thế nhất. Một nền kinh tế nhỏ bé như Việt Nam, chúng ta không thể cái gì cũng muốn làm, ngành nào cũng muốn phát triển, nghề nào cũng muốn tham gia. Các cụ đã có câu, một nghề thì sống, đống nghề thì khó. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ trên thế giới nếu tìm ra được lợi thế của mình rồi có một chiến lược phát triển rõ ràng thì đều có thể thiết kế cho mình một sân chơi hay có một vai chơi trong game lớn của đấu trường kinh tế quốc tế.
Đứng trên vai người khổng lồ…
Có thể hiểu việc “đứng trên vai người khổng lồ” ở đây chính là câu chuyện học hỏi và vận dụng những tinh hoa của các nước trên thế giới trong hoạt động kinh doanh. Trước khi chúng ta định hình lại một chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia, Việt Nam có thể nghiên cứu và tham khảo lại những kinh nghiệm các nước đi trước như Singapore, Đài Loan, tiểu vương quốc Dubai và Hàn Quốc… “Điều này chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam đã làm, nhưng tôi đưa ra để chúng ta có cái nhìn bao quát về đường lối phát triển kinh tế của các nước xung quanh, các nước này có điều kiện ban đầu tương tự hoặc có thể kém hơn cả Việt Nam” – Ông Lư trao đổi.
Ông nói thêm: Singapore chỉ là một đảo quốc nhỏ, chỉ lớn hơn một chút hòn đảo Phú Quốc của Việt Nam. Nhưng dựa vào vị trí địa lý và vị trí địa chính trị, đất nước này đã từng bước thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Hòn đảo Singapore nằm chấn giữ eo biển Malaca, nối Ấn Độ Dương với Đông Nam Á và Đông Á, là nơi lý tưởng để có thể biến thành trung tâm mậu dịch của thế giới. Thực lực lúc đó Singapore chẳng có gì nhưng nhờ nắm được lợi thế quốc gia nên họ đã hoạch định chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia với các ngành nghề chủ đạo dựa trên nền tảng kinh tế thị trường tự do, đó là Trung tâm thương mại quốc tế; Trung tâm trung chuyển, logistisc và Vận tải quốc tế; Trung tâm Du lịch quốc tế; Trung tâm Tài chính quốc tế. Đến thập kỷ 90, họ đã thành công và đã trở thành quốc gia có thu nhập GDP cao nhất Châu Á. Trong thập kỷ gần đây họ tiếp tục sáng tạo, phát triển thêm chuỗi giá trị từ nền tảng trước đó. Và sau 5 thập kỷ phát triển kinh tế, đảo quốc Singapore đã trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, với một nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao độ, các liên kết mậu dịch quốc tế hùng mạnh, một trong bốn con rồng Châu Á. Singapore ngày nay có GDP bình quân đầu người cao hàng đầu trên thế giới khoảng 58.000USD/ người, cao hơn người Mỹ.
Bên cạnh đó, phải kể đến Đài Loan – một quốc đảo bắt đầu cải tổ mạnh nền kinh tế từ thập kỷ 60 đã có các bước phát triển nhảy vọt trong thập kỷ 70 và 80. Họ phát triển kinh tế dựa trên nền tảng của một chiến lược bài bản và rất sắc sảo là kinh tế tri thức trên cơ sở tận dụng sự ủng hộ từ vị thế địa chính trị của mình do Phương Tây bảo trợ. Với tinh thần này, Đài Loan xác định chiến lược phát triển nền kinh tế của mình là lấy công nghiệp công nghệ cao và ngành dịch vụ làm trung tâm, và từ đó định hướng phát triển công nghiệp văn hoá và du lịch. Đài Loan đã tiếp cận nền tảng giáo dục và công nghệ của phương Tây và tiến hành hàng loạt dự án kiến thiết nền kinh tế trên cơ sở phát triển các mũi nhọn cho nền kinh tế như công nghiệp chế tạo máy móc, sản xuất chất bán dẫn, công nghệ thông tin, truyền thông, điện tử và công nghệ thông minh; Vận tải biển và losgistics quốc tế; mậu dịch… Sau 60 năm phát triển Đài Loan đã trở thành một nền kinh tế phát triển, một trong bốn con Rồng Châu Á, nền kinh tế đứng thứ 21 thế giới, GDP bình quân đầu người là khoảng 25.000USD, gấp hơn năm lần Trung Quốc đại lục…
Ngoài ra, có thể kể đến Dubai – một tiểu Vương quốc trong 07 tiểu Vương quốc của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trên cơ sở xem xét và đánh giá lợi thế của mình là cửa ngõ ở vịnh Ba Tư, Dubai thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường ở mức tự do cao nhất để biến Dubai thành một cục nam châm thu hút đầu tư quốc tế. Từ đó xây dựng Dubai thành Trung tâm Quốc tế ở các lĩnh vực thương mại quốc tế; trung tâm Tài chính khu vực Trung Đông; trung tâm Du lịch quốc tế; trung tâm sản xuất ở Trung Đông; trung tâm Vận vải và trung chuyển quốc tế; trung tâm Bất động sản quốc tế. Ngày nay, Dubai đã nổi lên như một thành phố toàn cầu và một Trung tâm kinh tế sầm uất nhất thế giới. Dubai đã sớm nhận thức được và bứt ra khỏi một nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên là dầu hỏa, mà phát triển kinh tế dựa trên lợi thế về vị trí địa lý của mình và sử dụng nguồn nhân lực trên toàn thế giới. Hiệu quả thấy được là doanh thu chính của Dubai hiện nay chủ yếu là từ du lịch, các dịch vụ Tài chính và Bất động sản. Gần đây, Dubai đã thu hút sự chú ý của thế giới thông qua các dự án xây dựng đổi mới có tính sáng tạo và những sự kiện thể thao lớn, những kiến trúc lạ và hiện đại vào bậc nhất thế giới…
Những điển hình về hoạch định chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia chính là những bài học quý giá để vận dụng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ứng dụng như thế nào để hiệu quả sẽ tiếp tục được ông Dương Quang Lư chia sẻ…
Hà Vân (ghi)
Tin tức khác
CÔNG TY CỔ PHẦN NÔNG NGHIỆP VÀ THỰC PHẨM HÀ NỘI - KINH BẮC
Add: Số 08 Lô TT03, Khu đô thị Hải Đăng City, Ngõ 2 Phố Hàm Nghi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Tel: +84-2437877290 - Fax: +84-2437877291
Email: admin@hkb.com.vn - Website: www.hkb.com.vn www.hakinvest.com.vn