(NB&CL) “Tôi có nhớ câu của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu-Singapore đã nói “Việt Nam có vị trí địa lý tốt, thiên nhiên ưu đãi, con người kiên cường và giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Đất nước này hội tụ đủ yếu tố để trở thành một cường quốc mạnh nhất khu vực Đông Nam Á” và câu của cố tiến sỹ Alan Phan nói “Chỉ có hai ngành kinh tế tương lai đích thực của Việt Nam là Nông nghiệp và Tin học”.” – Tiếp tục chia sẻ xung quanh vấn đề “Hoạch định chiến lược phát triển kinh tế quốc gia và Ngành Nông nghiệp định vị trong Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia” ông Dương Quang Lư- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (HKB) chia sẻ như vậy.
+ Thưa Chủ tịch, ông đã đi nhiều nước, cũng là người quan tâm nghiên cứu nhiều về các mô hình phát triển kinh tế của các nước trên thế giới, theo ông thì có những mô hình phát triển kinh tế nào trên thế giới?
– Như góc nhìn của tôi thì trên thế giới chỉ có 3 cách tiếp cận cơ bản để phát triển một nền kinh tế nói chung đó là. Thứ nhất là, khai thác lợi thế tài nguyên, các điều kiện ưu đãi của thiên nhiên để phát triển kinh tế như mô hình của nước Nga, Trung Đông, Brasil, Arhentina, Châu Phi và phần lớn các nước đang phát triển. Thứ hai là dựa vào sáng tạo và trí tuệ của con người để phát triển kinh tế như mô hình của nước Nhật, Israel, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, tiểu vương quốc Dubai. Thứ ba là kết hợp cả hai cách trên (dựa vào sáng tạo của trí tuệ con người và khai thác các điều kiện ưu đãi của thiên nhiên) như mô hình phát triển kinh tế của nước Mỹ, Canada, Australia, Na Uy…
+ Tôi thấy, ba cách tiếp cận đó, phần lớn là dựa trên lợi thế quốc gia. Vậy lợi thế quốc gia của Việt Nam là gì, thưa ông?
– Theo tôi thấy Việt Nam ta có mấy lợi thế quốc gia cơ bản, một là có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thiên nhiên ưu đãi; hai là có phong cảnh và thắng cảnh đẹp; ba là Việt Nam có tính kiên cường, cần cù và sáng tạo; bốn là có thị trường tiêu dùng tiềm năng tương đối lớn, dân số hiện tại trên 90 triệu dân, dự kiến đến năm 2030 vào khoảng 100 triệu dân, đứng thứ 14 trên thế giới về dân số; Năm là có tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú; Sáu là có vị trí địa lý rất quan trọng và vị trí địa chính trị trên bản đồ thế giới.
+ Vậy theo ông, chúng ta nên hướng đến phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn nào để tận dụng những lợi thế quốc gia đó?
– Nếu xét trên phương diện các lợi thế nêu trên trong tương quan chuỗi giá trị toàn cầu, theo tôi thấy các ngành kinh tế mũi nhọn sau đây Việt Nam cần ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế cho 30 năm tiếp theo đó là: Nhóm 1,gồm ngành nông nghiệp (nông, lâm và hải sản); Nhóm 2, gồm ngành du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản du lịch; Nhóm 3 gồm ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công ở mức tay nghề trung bình và khéo tay như gia công lắp ráp điện tử và điện thoại, công nghiệp phụ trợ; dệt may, thủ công mỹ nghệ, ngành chế tạo công cụ, sản xuất máy móc vật tư nông nghiệp; Tiếp đến là nhóm 4 gồm ngành logistic, vận tải và trung chuyển quốc tế; Nhóm 5 gồm ngành công nghệ cao như công nghệ IT, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp khởi nghiệp.
+ Tại sao lại là các nhóm ngành nghề trên, thưa ông?
– Việc lựa chọn 05 nhóm ngành nêu trên là ngành mũi nhọn cho chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam sẽ khai thác được các lợi điểm và điểm lợi thế quốc gia của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo yếu tố đi tắt, đón đầu xu hướng phát triển kinh tế của thế giới. Trong 05 ngành nêu trên thì có 04 nhóm ngành đầu thuộc lợi thế quốc gia còn dư địa rất lớn để phát triển ở mức đột phá cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần, còn nhóm ngành thứ 05 thì có thể phát huy năng lực về trí tuệ của người Việt và làm nền móng cho chiến lược đi tắt đón đầu về sáng tạo công nghệ và khởi nghiệp quốc gia cho Việt Nam.
Tức là chúng ta sử dụng cả 02 cách tiếp cận để phát triển kinh tế Việt Nam như nói ở trên bao gồm cả khai thác các lợi thế quốc gia về điều kiện thiên nhiên ưu đãi và vị trí địa lý đi kèm cùng khai thác sáng tạo của trí tuệ Việt Nam. Tôi có nhớ câu của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu-Singapore đã nói “Việt Nam có vị trí địa lý tốt, thiên nhiên ưu đãi, con người kiên cường và giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Đất nước này hội tụ đủ yếu tố để trở thành một cường quốc mạnh nhất khu vực Đông Nam Á” và câu của cố tiến sỹ Alan Phan nói “Chỉ có hai ngành kinh tế tương lai đích thực của Việt Nam là Nông nghiệp và Tin học”.
+ Phải chăng, chỉ có những ngành đem lại thặng dư thương mại mới làm cho quốc gia đó giàu có?
– Đúng vậy. Việt Nam là nước mới bắt đầu công cuộc khởi nghiệp để phát triển kinh tế quốc gia, kể cả sau này cũng vậy vì suy cho cùng thì một quốc gia được coi là giàu có thực sự chỉ khi quốc gia đó có thặng dư thương mại với thế giới. Đối với Việt Nam thì việc có thặng dư thương mại lại càng quan trọng, vì chỉ có thặng dư ngoại tệ thì chúng ta mới đảm bảo có nguồn tài chính an toàn cho phát triển đất nước, mua sắm công nghệ, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị bảo đảm an ninh cho quốc gia.
Tôi thấy rằng chỉ có 05 nhóm ngành trên mới có thể đem lại thặng dư thương mại và sự giàu có thực sự cho Việt Nam. Nhìn từ chính sách của Trung Quốc thì chúng ta thấy rõ, ban đầu họ ưu tiên các cách để có thặng dư ngoại tệ, kể cả việc chấp nhận sản xuất từ cái kim, mũi chỉ, đồ chơi trẻ em… để xuất khẩu lấy ngoại tệ và sau 40 năm đổi mới kinh tế họ đã tích tụ được một lượng ngoại tệ khổng lồ và khi họ có ngoại tệ họ bơm vốn cho các tập đoàn nội địa đi mua sắm công nghệ tiên tiến của thế giới. Hiện nay chúng ta thấy các công ty của Trung Quốc đã và đang đi thâu tóm nhiều hãng công nghệ lâu năm của phương Tây như IBM, Volvo…, như vậy họ đã rút ngắn khoảng cách công nghệ với phương Tây rất nhanh thông qua thâu tóm các hãng công nghệ của thế giới.
Đất nước ta hội tụ đủ yếu tố hơn hết thẩy bất cứ một tỉnh riêng biệt nào của Trung Quốc, kể cả những tỉnh đang phát triển nhất của họ. Tôi tin rằng nếu Việt Nam xác định đúng rồi tập trung nguồn lực vào phát triển 05 ngành mũi nhọn nêu trên thì Việt Nam có đủ sức để đưa GDP Việt Nam ít nhất bằng tỉnh phát triển của Trung Quốc là tỉnh Quảng Đông với mức GDP của tỉnh này là 1.200 tỷ USD. Trong tương quan chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu và các Hiệp định Thương mại Việt Nam đã và sẽ tham gia như WTO, Kinh tế Á- ÂU (Liên minh Hải quan Nga- Belarus- Việt Nam), FTA Việt Nam với EU, TPP… thì chỉ có 05 nhóm ngành nêu trên là Việt Nam có lợi thế khi hội nhập. Tiềm năng phát triển của các ngành này là rất lớn, tôi sẽ xin trình bày tiếp ở lần gặp sau…
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
Tin tức khác
CÔNG TY CỔ PHẦN NÔNG NGHIỆP VÀ THỰC PHẨM HÀ NỘI - KINH BẮC
Add: Số 08 Lô TT03, Khu đô thị Hải Đăng City, Ngõ 2 Phố Hàm Nghi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Tel: +84-2437877290 - Fax: +84-2437877291
Email: admin@hkb.com.vn - Website: www.hkb.com.vn www.hakinvest.com.vn