Báo congluan: Ông Dương Quang Lư – Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HAKINHVEST): Doanh nhân là một nghề dấn thân

Trích:http://congluan.vn/ong-duong-quang-lu-tong-giam-doc-kiem-chu-tich-hdqt-cong-ty-nong-nghiep-va-thuc-pham-ha-noi-kinh-bac-hakinhvest-doanh-nhan-la-mot-nghe-dan-than/

(NB&CL) – “Doanh nhân phải có 4 tố chất, trước hết là anh phải là một người cần cù chịu khó như một người nông dân. Hai là phải quyết đoán và có uy như một vị tướng, mà muốn như thế thì phải có tín nhiệm, kiến thức và tri thức. Thứ ba là phải uyển chuyển như một nhà chính trị. Thứ 4 là phải biết cân bằng như một nhà thiền sư…” – Doanh nhân Dương Quang Lư – Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc bắt đầu câu chuyện về nghề doanh nhân, về chặng đường “chèo lái” Hakinhvest nhiều năm nay như thế

Untitled

Tự do đều có sự trả giá

+ Anh từng nói: Công ty Nhà nước có nhiều ưu điểm nhưng lại không phải là lựa chọn của anh, anh đã “thoát ly” Nhà nước khi mà quyền lực, tiền tài danh vọng đang ở đỉnh cao… Vì sao vậy?

Tôi có 15 năm làm việc trong một doanh nghiệp Nhà nước, thoát ly khỏi Nhà nước mặc dù giai đoạn đó thu nhập, vị thế và địa vị đang là lúc thuận lợi nhưng với tôi đó chỉ là hư ảo mà thôi. Tôi bước chân ra khỏi Nhà nước để tìm một hướng đi cho mình. Có nhiều lý do, đầu tiên đó là cảm giác sự trì trệ, hạn chế trong công ty nhà nước không phù hợp với bản tính của tôi. Trong lĩnh vực nông nghiệp thì đại đa số các công ty nhà nước thường chỉ quan tâm đến chiến lược ngắn hạn, chứ không quan tâm nhiều đến chiến lược dài hạn, gần như họ không quan tâm đến giá trị chuỗi trong nông nghiệp từ khâu trồng trọt, vật tư, chế biến, thị trường. Mà thường họ chỉ quan tâm một trong các khâu trên thôi. Công ty Nhà nước có lợi thế về tiềm năng tài chính nhưng họ lại chưa quan tâm đến vai trò nòng cốt của mình trong việc liên kết được 04 nhà khác (Nhà khoa học, nhà nông, nhà quản lý và nhà băng). Từ khâu trồng trọt đến công nghệ chế biến sau thu hoạch và ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp phải là nòng cốt và trung tâm thì chúng ta mới có sản phẩm nông sản cạnh tranh trên bình diện quốc tế. Nhưng lúc bấy giờ, hầu như các doanh nghiệp nhà nước ít quan tâm đến vấn đề này. Và tôi thấy thực tế là nếu theo hướng đi của doanh nghiệp nhà nước thì không thể cải tiến được ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Điều tiếp theo, để phát huy được hết năng lực cá nhân thì cần phải được tự do. Mà muốn làm được điều đó thì anh phải là người lãnh đạo, là thủ lĩnh, là chủ doanh nghiệp. Tất nhiên, tự do đều có sự trả giá.

+ Tự do đều có sự trả giá. Anh có thể nói rõ hơn?

Trả giá nhiều chứ. Bạn hình dung rằng, bắt đầu mới bằng một Công ty riêng thì cực kỳ vất vả. Khi làm ở Công ty nhà nước thì tôi chỉ cần chuyên tâm một trong các khâu như phát triển thị trường thật tốt và quản trị thật tốt, còn đăng sau có cả một ekip hỗ trợ như: ban kế toán, ban kinh doanh, ban hành chính tổ chức… tức là đã có sẵn một bộ máy vận hành. Lập một Công ty riêng thì phải tự lo toàn bộ việc đó, tự phải thiết lập một cấu trúc tổ chức hoàn chỉnh của một pháp nhân mới. Ở Công ty Nhà nước thì không phải lo nguồn vốn, nhưng Công ty tư nhân thì phải đi từng bước, xây dựng một bộ khung hoàn chỉnh, như chúng ta xây một ngôi nhà mới, phải xây từ nền móng và toàn bộ cấu trúc, đặc biệt trong đó phải xây dựng được một năng lực tài chính cho doanh nghịêp. Tất nhiên, xây dựng ngôi nhà doanh nghiệp thì có sự khác biệt, bởi đó không phải là ngôi nhà bất định mà là một ngôi nhà sống, nó phải có khả năng tự phình ra và tự phát triển. Sau khi thành lập Công ty, tôi thấy rằng, đây là một cuộc chiến không cân sức giữa thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế Nhà nước. Trong bất cứ lĩnh vực nào thì đều có sự đối chọi. Khi chúng tôi ra đời, các tập đoàn và công ty nhà nước thực sự đang chiếm thị trường gần như độc quyền trong ngành nông nghiệp, họ có rất nhiều lợi thế về tiềm lực tài chính và sự ưu đãi chính sách của Chính phủ. Chúng tôi như một anh chàng tí hon, chập chững bước vào đấu trường.

+ Vậy trong cuộc chiến không cân sức ấy, anh đã “chèo lái” Hakinhvest như thế nào để đứng vững ngày hôm nay?

Chúng tôi đã tìm một lối đi riêng cho chính mình. Bài toán đầu tiên chúng tôi làm đó là tập trung hoàn toàn vào xuất khẩu để có tiền, có tín dụng. Chúng tôi tháo gỡ bước đi này thực sự rất chuẩn xác thời điểm đó. Xét về mặt lợi thế quốc gia, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, Nhà nước và các ngân hàng rất khuyến khích xuất khẩu. Ban lãnh đạo của công ty lại có mối quan hệ ngoại giao, kinh tế đối ngoại rất tốt, có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Đặc biệt, các đối tác quốc tế của chúng tôi lại là những doanh nghiệp lớn, có thể mở thư tín dụng (L/C) từ các Ngân hàng uy tín, hàng đầu trên thế giới. Vì vậy các ngân hàng trong nước bắt đầu để ý, tin tưởng và hỗ trợ cấp tín dụng cho chúng tôi bởi ngân hàng cũng có nhiều lợi ích và lợi nhuận trong vấn đề này. Điểm thứ 2 chúng tôi tính đến là lấy ngay giá trị từ khâu thương mại, lẫn khâu chế biến. Thực tế ban đầu, chúng tôi chưa có nhà máy, kho tàng mà chỉ có các đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy, ngay lập tức, chúng tôi vạch ra chiến lược cụ thể, trước tiên đó là xây dựng cơ sở vật chất cốt lõi, xây dựng hệ thống kho tàng, kho chứa và bảo quản, tiếp theo là phát triển hệ thống thu mua trực tiếp từ người nông dân, để có giá trị gia tăng cao hơn. Và quan trọng là công ty đã bắt đầu chủ động được chân hàng, từ đó mạnh dạn kí các hợp đồng lớn hơn. Đòn bẩy thứ ba mà chúng tôi tập trung vào đó là đầu tư vào chế biến tiêu chuẩn và chế biến sâu nhằm tạo giá trị gia tăng cao cho nông sản. Quả thực nếu không bứt ra thành lập công ty riêng thì chúng tôi không thể chủ động để có được những bước bứt phá ấy, đặc biệt là bứt phá ở khâu tư duy và chiến lược.

Lúc quyết định, người lãnh đạo là người cô đơn nhất

+ Có vẻ như Hakinhvest đã “tìm được lối đi” trong cuộc cạnh tranh này?

Đến lúc này, tôi không quan trọng câu chuyện thắng thua trên bàn cờ này mà chỉ cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn khi sau 6 năm, chúng tôi đã xây dựng được một Hakinhvest đủ mạnh để đứng vững và phát triển. Tôi luôn nghĩ, người lãnh đạo trong một doanh nghiệp thực sự phải xác định như một “Người đầy tớ phục vụ đế chế của mình”. Ban lãnh đạo Quản trị của một doanh nghiệp nhà nước theo hình tháp thì chúng tôi là hình tháp ngược, đó là bản chất thực sự của công việc. Tôi thiết nghĩ, nếu như các doanh nhân đều mạnh dạn bứt phá trong lĩnh vực này thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển xứng tầm.

+ Anh đã từng nói, một trong những thành công của anh trong sự nghiệp đó là việc biết trải thảm đỏ cho nhân tài, dụng nhân như dụng mộc?

Đúng vậy. Muốn xây dựng một doanh nghiệp, chúng ta phải xây dựng cho mình một bộ khung đội ngũ trí tuệ, ban quản trị công ty là tiên quyết. Đồng ý chí luôn là mục tiêu đầu tiên tôi đặt ra. Ở nước Nga, người ta có câu ngạn ngữ cho các dân ngoại kiều rằng: 1 người Việt Nam bằng 3 người Nhật nhưng 3 người Việt Nam lại không bằng 1 người Nhật. Ở đây ám chỉ sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần làm việc theo nhóm thực sự rất quan trọng. Anh không sẵn sàng hy sinh, xác định rủi ro và chấp nhận khó khăn thì không nên dấn thân vào nghề này. Thứ hai là đội ngũ đó phải hết sức trí tuệ. Thứ ba là phải bản lĩnh. Còn đội ngũ bên dưới, trước hết phải trung thực, thật thà, tâm huyết và gắn bó với công ty. Trong việc sử dụng nhân sự, chúng tôi luôn đặt cao vấn đề chuyên môn hóa, từ tài chính kế toán, nhân viên chi nhánh, đặc biệt là cán bộ thu mua…Quan điểm của tôi là đúng người đúng việc, không cần oai nên không nhất thiết vị trí nào cũng cần có bằng thạc sỹ, đại học… Họ có thể chỉ là người làm được nghề, tận tâm với công việc đó.

+ Anh từng nói: Khi quyết định, người lãnh đạo thường rất… cô đơn, là sao thưa TGĐ?

Doanh nhân là một nghề dấn thân, rất vất vả, cần sự sẻ chia và cảm thông nhiều lắm… Ở thời bình, đất nước có coi trọng doanh nhân thì đất nước mới phát triển được vì doanh nhân là nhân tố trọng tâm trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, trong khi đó kinh tế là trọng tâm để thúc đẩy khoa học, văn hoá, giáo dục và nâng cao vị thế chính trị của một quốc gia. Những lúc quyết định một vấn đề, sự sẻ chia có giá trị rất quan trọng nhưng đôi khi có những quyết định đột phá và khác biệt thì cả gia đình, vợ con và cộng sự khó có thể giúp gì được…Lúc đó cần phải có sự sáng suốt, quyết đoán nhưng cũng là sự nghiệt ngã của người là doanh nhân. Vì thế những lúc đó, họ rất cô đơn!

+ Vâng, xin cảm ơn anh!

CHÍ CẢNH – HÀ VÂN (Thực hiện)

CÔNG TY CỔ PHẦN NÔNG NGHIỆP VÀ THỰC PHẨM HÀ NỘI - KINH BẮC

Add: Số 08 Lô TT03, Khu đô thị Hải Đăng City, Ngõ 2 Phố Hàm Nghi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Tel: +84-2437877290 - Fax: +84-2437877291

Email: admin@hkb.com.vn - Website: www.hkb.com.vn www.hakinvest.com.vn